Kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu, máy móc, thiết bị đã qua sử dụng
Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển sản xuất, Việt Nam đã có chính sách cho phép nhập khẩu phế liệu, máy móc đã qua sử dụng, nhằm giúp các doanh nghiệp giảm bớt chi phí đầu vào. Tuy nhiên, không ít trường hợp doanh nghiệp lợi dụng chính sách này để đưa rác thải vào Việt Nam. Nhằm ngăn chặn và kiểm soát nguy cơ trên, Chính phủ và các cơ quan liên ngành đã điều chỉnh, ban hành mới một số văn bản pháp luật nhằm kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu, hàng hoá, máy móc đã qua sử dụng.
Ông Trần Minh Đức – Giám Đốc Kỹ Thuật Tập Đoàn Vinacontrol đã được mời tham dự Tọa đàm với chủ đề “Kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu, máy móc, thiết bị đã qua sử dụng” của Truyền hình Quốc hội để giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn các quy định của Chính phủ cũng như quy trình nhập khẩu phế liệu, máy móc, thiết bị đã qua sử dụng vào Việt Nam.
Tọa đàm với chủ đề “Kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu, máy móc, thiết bị đã qua sử dụng” của Truyền hình Quốc hội
Ông Trần Minh Đức – Giám Đốc Kỹ Thuật Tập Đoàn Vinacontrol
Một số câu hỏi được thảo luận trong chương trình như sau:
MC: Với một đơn vị muốn nhập khẩu phế liệu theo đường chính ngạch thì đơn vị sẽ phải đáp ứng những bước giám định như thế nào?
Vinacontrol: Để nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, những nhà nhập khẩu cần nắm được các quy định trong Luật Bảo vệ môi trường, hướng dẫn của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Trong đó nêu rõ, phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
Bên cạnh đó, các phế liệu này phải thuộc danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài về làm nguyên liệu sản xuất cho thị trường. Chính phủ cũng ban hành mới đây nhất là Quyết định số 13/2023/QĐ-Ttg.
Để nhập khẩu một lô hàng phế liệu thì doanh nghiệp phải:
- Trưng cầu tổ chức giám định được Bộ Tài nguyên môi trường chỉ định để kiểm tra, giám định lô hàng đáp ứng được các yêu cầu, quy định của Chính phủ.
- Cung cấp đầy đủ hồ sơ tài liệu, bộ chứng từ nhập khẩu cùng với giấy phép nhập nhẩu, văn bản ký quỹ cho tổ chức giám định.
- Đại diện doanh nghiệp cùng với hải quan chứng kiến tổ chức giám định mở, kiểm tra hàng hóa, lấy mẫu thử nghiệm và ký vào các biên bản giám định.
Tổ chức giám định sẽ cấp chứng thư giám định nếu kết quả giám định phù hợp với các quy định kỹ thuật của các quy chuẩn.
MC: Là đơn vị được chỉ định làm giám định cho các lô hàng máy móc thiết bị đã qua sử dụng, Vinacontrol đã chuyên nghiệp hóa các quy trình giám định của mình như thế nào?
Vinacontrol: Vinacontrol là một trong các tổ chức đầu tiên được Bộ Tài nguyên môi trường và Bộ Khoa học Công nghệ chỉ định thực hiện giám định phế liệu, máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.
Để được công nhận, chỉ định của các Bộ, ban ngành, Vinacontrol đã trải qua quy trình đánh giá chặt chẽ về các quy trình, Phương pháp giám định, về nhân lực, vật lực, trang thiết bị máy móc phục vụ giám định cũng như các trang thiết bị thử nghiệm.
Với 66 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giám định hàng hóa, Vinacontrol không ngừng hoàn thiện và chuyên nghiệp hóa các quy trình giám định, đáp ứng được các quy chuẩn, tiêu chuẩn. Nhờ đó, Vinacontrol nhận được sự tin tưởng, đánh giá cao của các Bộ ngành, cơ quan quản lý nhà nước và khách hàng.
Để đảm bảo môi trường và phục vụ khách hàng tốt hơn, Vinacontrol đã mở rộng, phát triển, thực hiện quy trình giám định cả ở các nước xuất khẩu, giám định trước cho khách hàng để đảm bảo khách hàng khi nhập khẩu vào Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu, quy định của Nhà nước, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đưa vào sản xuất một cách nhanh nhất, tránh trường hợp rủi ro, khó khăn cho khách hàng.
Link toàn bộ Tọa đàm: https://youtu.be/swGS21wFX4M