Nhận Diện Rào Cản Kỹ Thuật Khi Xuất Khẩu Nông Sản Đi Châu Âu
Châu Âu từ lâu luôn là thị trường tiềm năng đối với hàng hóa Việt Nam nói chung và nông sản nói riêng. Tuy nhiên, để vào được thị trường châu Âu không phải là việc dễ dàng. Yêu cầu cao về chất lượng cùng với nhiều quy định chặt chẽ về đóng gói, ghi nhãn,…đã hình thành nên những hàng rào kỹ thuật đối với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Và để có thể khai thác hiệu quả thị trường Châu Âu, nhất là khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, Vinacontrol đã phối hợp cùng Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch (AFT) tổ chức Hội thảo trực tuyến với chủ đề “Nhận diện những rào cản kỹ thuật khi xuất khẩu nông sản đi châu Âu” vào cuối tuần qua. Sự kiện đã thu hút hơn 50 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên khắp cả nước tham dự.
Trong khuôn khổ hội thảo, Ông Lê Văn Hậu – Trưởng phòng phát triển dịch vụ Vinacontrol TP.HCM – đã chia sẻ những xu hướng tiêu dùng của thị trường Châu Âu cũng như thông tin về những quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này.
Cụ thể, người dân châu Âu có mức sống cao nên họ rất quan tâm đến các sản phẩm có lợi cho sức khỏe, thực phẩm hữu cơ; sản phẩm có quy trình sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, các sản phẩm bền vững, sử dụng các nguyên vật liệu và bao bì tái chế, thân thiện môi trường; sản phẩm thông minh, đơn giản, tiện dụng, dùng được nhiều lần. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của đại dịch trong 2 năm qua làm cho xu hướng tiêu dùng trực tuyến bùng bổ trên toàn cầu và châu Âu cũng không ngoại lệ. Thương mại điện tử, nhất là thương mại điện tử xuyên biên giới đang là cơ hội ngày càng lớn tại châu Âu, mở ra triển vọng một kênh giao thương tiềm năng trong thời gian tới.
Đối với nông sản, hàng rào kỹ thuật khi xuất sang Châu Âu thường liên quan đến: dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, biến đổi gen, điều kiện canh tác, môi trường, đóng gói, ghi nhãn... Khi xuất khẩu nông sản vào các quốc gia sở tại, các quốc gia này yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu xác nhận, lập danh sách các cơ sở đăng ký được phép xuất khẩu, hoặc xuất trình hồ sơ các chương trình quản lý chất lượng, chương trình giám sát của nước xuất khẩu. Một số sản phẩm phải được khử trùng, chiếu xạ.... Ngoài ra, châu Âu còn có lịch định kỳ trực tiếp sang kiểm tra hàng hóa của các doanh nghiệp xuất khẩu.
Và đặc biệt trong phần trình bày của mình, đại diện Vinacontrol cũng đã nêu chi tiết các quy định liên quan đến sản phẩm hữu cơ tại châu Âu, nhất là các quy định về sản xuất và nhập khẩu mới của châu Âu áp dụng kể từ ngày 01/01/2022.
Hội thảo cũng đã đề ra một số giải pháp định hướng giúp doanh nghiệp có thể tận dụng tốt hiệp định EVFTA thúc đẩy xuất khẩu sang châu Âu trong bối cảnh mới.
Quý khách hàng có nhu cầu tìm hiểu về các rào cản khi xuất khẩu sang châu Âu, đặc biệt là nông sản có thể liên hệ với Vinacontrol để được tư vấn cụ thể.