Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Theo dự báo sơ bộ, tổng nhu cầu thị trường các ngành chế tạo của Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 có thể đạt tới 310 tỷ USD. Đây sẽ là thị trường rất lớn cho ngành thép trong nước, đặc biệt là các loại thép chế tạo, thép hợp kim chất lượng cao phục vụ các ngành công nghiệp chế tạo, vốn là phân khúc hiện nay Việt Nam chưa tự chủ được trong sản xuất thép nội địa.

Bộ Công Thương vừa có báo cáo số 2152/BCT-CN gửi Thủ tướng Chính phủ về đề xuất xây dựng “Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.” Báo cáo cho thấy, tính đến năm 2021, năng lực sản xuất phôi thép của Việt Nam là 27 triệu tấn/năm, trong đó thép cuộn cán nóng (HRC) là 7-8 triệu tấn/năm.

working-process-steel-factory_800

Tuy nhiên, ngoài một số nhà máy xây dựng mới với công suất lớn như Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất, Khu liên hợp Gang thép Hưng Nghiệp Formosa, thép Nghi Sơn, các nhà máy sản xuất phôi thép còn lại chủ yếu có công suất nhỏ, thiết bị lạc hậu. Năng lực sản xuất thép còn nhiều hạn chế nên hiện nay chưa thể cung cấp đủ nhu cầu thép cho toàn bộ nền kinh tế.

Theo Bộ Công thương nhìn nhận, năng lực cạnh tranh của ngành thép Việt Nam khá thấp khi phần lớn các nguyên liệu đầu vào để sản xuất thép phải nhập khẩu. Dự kiến trong năm 2022, Việt Nam phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép như quặng sắt cho các lò cao khoảng hơn 18 triệu tấn, thép phế khoảng 6-6,5 triệu tấn cho các lò điện, than mỡ luyện cốc khoảng 6,5 triệu tấn và điện cực graphite khoảng 10.000 tấn… Với dự báo giá quặng sắt, thép phế, quặng nguyên liệu thô và than mỡ luyện cốc vẫn duy trì ở mức cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất thép và thị trường thép trong nước.

Ngành thép có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển đất nước theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây là ngành công nghiệp nền tảng, vật liệu đầu vào cho các ngành kinh tế quan trọng của đất nước như cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ... Vì vậy, để ngành thép phát triển bền vững và ổn định, Nhà nước cần xây dựng chính sách đủ mạnh để thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp thép, tạo nền tảng cơ bản cho công nghiệp hóa theo hướng hiện đại và bền vững.


024.3943.3840
Tập đoàn Vinacontrol
  • 54 Trần Nhân Tông, Hà Nội, Việt Nam
  • +84 24 3943 3840
  • +84 24 3943 3844
  • vinacontrol@vinacontrol.com.vn