Xã hội hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành
Thành lập năm 1957, CTCP Tập đoàn Vinacontrol là tổ chức giám định, thử nghiệm, chứng nhận và kiểm định đầu tiên tại Việt Nam. Nhân dịp 70 năm thành lập ngành Công thương (1951 – 2021), phóng viên báo Công thương đã có buổi phỏng vấn với Ông Mai Tiến Dũng – Tổng Giám đốc Vinacontrol.
1. Là đơn vị song hành, chứng kiến và có nhiều đóng góp vào sự phát triển của ngành Công thương, xin ông cho biết cảm nhận về dấu mốc 70 năm đầy tự hào này?
Trải qua 70 năm, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chính phủ, ngành Công thương đã không ngừng lớn mạnh, trở thành đầu tàu mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế. Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, giờ đây GDP Việt Nam đã đạt 268,4 tỷ USD, tổng kim ngạch XNK đạt mức trên 500 tỷ USD và đặc biệt là ký kết được 15 Hiệp định thương mại tự do, tiêu biểu như các hiệp định CPTPP và EVFTA gần đây.
Tôi tin tưởng Bộ Công thương sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của ngành, hoàn thành thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.
2. Năm tới Vinacontrol sẽ kỉ niệm 65 năm ngày thành lập, ông có thể khái quát một số đóng góp chủ yếu của tập đoàn đối với sự phát triển chung của ngành Công thương?
CTCP Tập đoàn Vinacontrol, trước đây là Cục Kiểm nghiệm hàng hóa XNK thuộc Bộ Thương nghiệp (nay là Bộ Công thương), được thành lập từ năm 1957 với nhiệm vụ tăng cường quản lý, kiểm tra chất lượng, xây dựng tiêu chuẩn ngành cho hàng hóa XNK, … Sau cổ phần hóa, bên cạnh các dịch vụ truyền thống như giám định, thử nghiệm, kiểm tra phục vụ quản lý Nhà nước, Vinacontrol đã mở rộng thêm các lĩnh vực khác như chứng nhận, kiểm định, thẩm định giá, thẩm định môi trường,… góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội.
Bằng tất cả tâm huyết, nhiều thế hệ CBCNV Vinacontrol đã không ngừng lao động, sáng tạo và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển ngành Công thương.
3. Xin ông chia sẻ một số thông tin cụ thể về những dự án lớn nào Vinacontrol đang thực hiện cũng như định hướng phát triển trong thời gian tới?
Hiện tại, một số dự án trọng điểm mà Vinacontrol tham gia có thể kể đến như dự án nhà máy điện mặt trời lớn nhất Đông-Nam Á, Ea Súp 1, 2, 3, 4, 5 của Tập đoàn Xuân Thiện, dự án Điện mặt trời Sesan 4, Bệnh viện chợ Rẫy, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Dung Quất, các dự án trọng điểm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN…
Các dự án trọng điểm mà Vinacontrol phụ trách luôn có đòi hỏi rất cao về chứng chỉ hành nghề, năng lực chuyên môn, máy móc thiết bị, kinh nghiệm, tài chính và nhân lực. Bằng năng lực, kinh nghiệm và uy tín của mình, Vinacontrol luôn được các đối tác trong và ngoài nước tin tưởng và lựa chọn.
Trong thời gian tới, Vinacontrol tiếp tục nâng cao chất lượng, giữ vững thị phần trong các mảng dịch vụ cốt lõi như giám định truyền thống, giám định phục vụ kiểm tra chuyên ngành; kết hợp với mở rộng phát triển các mảng dịch vụ mới như giám định công nghệ cao, kiểm định trang thiết bị y tế, chứng nhận nông nghiệp hữu cơ, chứng nhận về an toàn cho thực phẩm, ...
Đặc biệt, mảng giám định và dịch vụ có hàm lượng kỹ thuật cao sẽ được Vinacontrol ưu tiên đầu tư cả trang thiết bị và nhân lực, đáp ứng đa dạng hơn nhu cầu ngày càng tăng của xã hội.
4. Theo ông, từ thực tiễn hoạt động của Vinacontrol, Chính phủ nên có những giải pháp nào để hỗ trợ lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành?
Theo tôi, Chính phủ nên tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác KTCN, chỉ định cho các đơn vị giám định độc lập có đủ năng lực tham gia hỗ trợ hoạt động KTCN, giảm bớt áp lực cho khu vực dịch vụ công. Đồng thời, nhanh chóng có sự thống nhất về hệ thống văn bản quy định đối với các lĩnh vực KTCN, khắc phục hiện tượng chồng chéo, giúp các doanh nghiệp XNK cắt giảm chi phí, thời gian và nâng cao sức cạnh tranh ở thị trường quốc tế.
Xin cảm ơn ông.